IDOCRASE (VESUVIANITE) LỤC YÊN, YÊN BÁI, VIỆT NAM

SAN HÔ VÀNG (GOLDEN CORAL)
Tháng Sáu 16, 2018
TINH THỂ TSAVORITE (GROSSULAR GARNET) CỘNG SINH TRÊN TINH THỂ IDOCRASE
Tháng Mười Một 4, 2019

IDOCRASE (VESUVIANITE) LỤC YÊN, YÊN BÁI, VIỆT NAM

Lê Ngọc Năng

Lâm Vĩnh Phát

Thái Thị Lan Vy

Gần đây, phòng giám định đá quý – Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Ngọc học LIU (LIULAB) nhận được một số mẫu đá do khách hàng gửi với tên gọi ban đầu là Clinohumite (tên do khách hàng cung cấp). Theo thông tin từ khách hàng, mẫu được lấy từ vùng Lục Yên, Yên Bái, Việt Nam.

Hình 1: Mẫu mài cabochon với mặt đáy phẳng

Xác định tên đá bằng các phương pháp ngọc học tiêu chuẩn

Có 2 mẫu màu nâu, vàng đậm. Trong đó:

Mẫu thứ nhất: tinh thể dạng đa tinh còn thấy rõ hình dạng các tinh thể. Trọng lượng 167cts, trong mờ với nhiều tạp chất. Bề mặt bị biến đổi tương đối ở một vài chỗ.

Mẫu thứ hai: đã được ch ế tác dạng cabochon với mặt đáy phẳng nặng 10.53cts, bán trong suốt

Kiểm tra các thông số ngọc học cơ bản như sau:

Từ hình dạng tinh thể, hoa văn cấu trúc tăng trưởng đây là tinh thể kết tinh hệ 4 phương. Với đặc điểm này có thể khẳng định đây không phải là clinohumit (kết tinh hệ một nghiêng).

                                  

Hình 2: Hình dạng tinh thể – ghép đa tinh (trái) và cấu trúc tăng tưởng (phải)

Bằng phương pháp cân thủy tĩnh, tỷ trọng các mẫu được xác định lần lượt là: 3.39 và 3.40

Đối với mẫu cabochon có mặt đáy phẳng, độ trong suốt tương đối, chúng tôi sử dụng khúc xạ kế với nguồn sáng natri để xác định chiết suất, trục và quang dấu của tinh thể. Kết quả, chiết suất đo được 1.712-1.716; tuy độ lưỡng chiết khá thấp, nhưng khi quan sát kỹ có thể thấy được hai vạch chiết suất và hướng di chuyển của chúng khi xoay tấm phân cực. Dấu hiệu này cho đây là khoáng vật một trục quang dấu âm.

Phổ hấp thu, cả hai mẫu đều không nhìn thấy vạch phổ hấp thu

Đa sắc, rất yếu màu nâu vàng đậm – nâu vàng dưới kính nhị sắc

Dưới đèn UV sóng ngắn và dài đều trơ

Dưới kính hiển vi: có nhiều bao thể lỏng, bao thể rắn hình lục giác (chưa xác định) và bao thể âm

    

Hình 3: Bao thể lỏng (trái); bao thể âm (giữa); bảo thể rắn hình lục giác kéo dài (phải)

Với các thông số ngọc học tiêu chuẩn như trên, phòng giám định nhận định đây là idocrase (vesuvianite).

Xác tên khoáng vật bằng máy phổ nhiễu xạ XRD-8

Để làm rõ hơn tính chính xác tên khoáng vật của loại đá quý này chúng tôi đã sử dụng thiết bị nhiễu xạ tia X (XRD-8) để phân tích cấu trúc và tên khoáng vật của mẫu.

 

Mẫu được sử dụng là mẫu thô nghiền dạng bột

Kết quả phân tích như sau:

  • Cấu trúc tinh thể khoáng vật hệ bốn phương
  • Tên khoáng vật là vesuvianite

Kết quả này phù hợp với kết quả tên đá được xác định bằng các phương pháp ngọc học tiêu chuẩn

Kết luận

Với các kết quả thử nghiệm, bằng tổ hợp các phương pháp ngọc học tiêu chuẩn, được kiểm chứng bằng phương pháp phân tích chuyên sâu với thiết bị phổ nhiễu xạ tia X (XRD-8). Phòng giám định xác định:

Các mẫu do khách gửi giám định được xác định là idocrase (vesuvianite), không phải clinohumit như khách thông tin ban đầu.

Về nguồn gốc, phòng giám định không đủ dữ liệu để xác định nguồn gốc. Nên tạm thời ghi nhận nguồn gốc xuất xứ theo thông tin khách hàng cung cấp là vùng Lục Yên, Yên Bái, Việt Nam.

 

Top